Khái niệm và điều kiện thành lập Khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC)? Hiện tại có bao nhiêu khu? Chức năng của những khu này?
Table of Contents
Khu Nông nghiệp công nghệ cao là gì?
Ngày nay, khi mà xã hội ngày càng phát triển, việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào ngành nông nghiệp đã trở thành đòn bẩy giúp thúc đẩy quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đột phá về năng suất sản xuất.
Khu Nông nghiệp công nghệ cao là khu công nghệ cao được vận hành bằng việc ứng dụng những thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.
Điều kiện thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao
Có 3 điều kiện chính đối với việc thành lập khu:
- Theo quy định của Nhà nước, khu nông nghiệp công nghệ cao phải có quy mô diện tích phù hợp, vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, điều kiện tự nhiên thích hợp và địa điểm thuận lợi để liên kết với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có trình độ cao.
- Phải có hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao.
- Đảm bảo điều kiện về nhân lực và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp.
Các Khu Nông nghiệp công nghệ cao hiện có ở Việt Nam
Theo dự kiến kế hoạch xây dựng ban đầu, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có tất 10 khu NNCNC được đặt tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hậu Giang, Phú Yên, Lâm Đồng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Khánh Hòa.
Thành công nhất phải kể đến Khu NNCNC đầu tiên đặt tại TP.HCM, khởi công năm 2004 và hoàn thành vào tháng 04/2010.
Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (Agricultural Hi-tech Park of Ho Chi Minh City – AHTP) tọa lạc tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi với tổng diện tích là 88,17 ha. Không gặp khó khăn trong việc gọi vốn cho các dự án, khu này đã thu hút rất nhiều dự án đầu tư với các lĩnh vực như sản xuất hoa kiểng (như hoa phong lan..), cây kiểng , các loại rau sạch, nấm, cây dược liệu, cá cảnh (như cá dĩa, cá chép koi…) hay các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp.
Với tổng kinh phí đầu tư 152 tỷ đồng, Khu NNCNC TP.HCM được đầu tư xây dựng rất quy mô với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu và các công trình phục vụ cho quản lý hoạt động, bao gồm: công trình cấp – thoát nước, cấp điện, xử lý nước thải, giao thông, phòng làm việc, phòng thí nghiệm, hệ thống các khu nhà (gồm: nhà kính – nhà lưới – nhà kho – nhà học tập)… Với 4 hoạt động chính là Công nghệ – Nghiên cứu – Ươm tạo – Du lịch.
Hiện nay, Khu NNCNC TP.HCM có 4 trung tâm trực thuộc Ban quản lý:
- Trung tâm Khai thác Hạ tầng.
- Trung tâm Dạy nghề NNCNC.
- Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp NNCNC.
- Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NNCNC.
Ứng dụng của Khu Nông nghiệp công nghệ cao vào hoạt động sản xuất
Từ khi Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM được thành lập, việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nhân giống và cung cấp cây giống/ con giống chất lượng cao đến người nông dân trở nên nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều.
Các hộ nông dân thuộc các huyện ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn… đã được chuyển giao:
- 278.452 cây lan giống cấy mô/ hậu cấy mô các loại (như Mokara, Dendrobium); 3000 cây hoa nền và 80.000 cây gieo ươm;
- 4,5 tấn hạt giống F1 chất lượng cao (như ớt, khổ qua, cà tím, dưa leo, bí đỏ, bầu bí) và 45.000 hạt giống dưa lưới;
- 95 tấn thành phẩm dưa lưới; 1000 tấn sản phẩm (bao gồm: thanh long, chuối, dứa, bầu, bí đao, dưa leo, trái dừa tươi);
- 600.000 túi phôi nấm các loại, 30.000 túi meo giống nấm, 1000 lọ nấm kiểng;
- 27.500 con cá dĩa, cá chép nhật, cá săn sắt, cá heo xanh…;
Cùng với đó là việc chuyển giao công nghệ các quy trình sản xuất NNCNC và kỹ thuật cấy mô, trồng và chăm sóc các loại trái cây cho các cá nhân/ tổ chức trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Trên đây là sơ lược thông tin về Khu Nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng của nó vào hoạt động sản xuất. Tuy hiện nay vẫn còn một số bất cập trong các Khu NNCNC ở một số tỉnh, xuất phát từ nguồn nước ô nhiễm không thể nuôi cấy giống hay tình trạng thiếu nước, cơ sở hạ tầng xuống thấp… Tuy vậy vì triển vọng từ các khu này rất cao nên nhà nước và cơ quan ban ngành liên quan đang tiến hành những biện pháp xử lý nhanh chóng để tái vận hành các khu này và đưa vào hoạt động trở lại trong tương lai.